
|
Chi tiết tin
Ngày 16/11/2017, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Đối tượng áp dụng: các DNNN gồm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty Nhà nước (kể cả ngân hàng thương mại Nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH MTV độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty TNHH MTV; Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp 2) thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện sau:
Thứ nhất: Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
Thứ hai: Còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.
Thời điểm quyết định cổ phần hóa: là ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: do cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Về phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa theo danh mục doanh nghiệp thực hiện sắp xếp trong từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng phải bảo đảm phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), Nghị định bổ sung thêm phương thức mới là phương thức dựng sổ (Booking building).
Về nhà đầu tư chiến lược, Nghị định đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài, bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện, như có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế.
Về chi phí cổ phần hóa, theo quy định cũ, mức chi phí này được tính theo giá trị doanh nghiệp CPH. Tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn CPH do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định. Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan. Trong đó, các gói thầu lựa chọn tư vấn (định giá, xây dựng phương án CPH, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược...) có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu nếu giá trị gói thầu không quá 3 tỷ đồng.
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
Văn bản mới
Liên kết
thống kê truy cập
  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 5
  Tổng lượt truy cập: 88887